




Chi tiết tin
Trong Hội nghị điển hình tiên tiến của thị xã Cai Lậy giai đoạn 2020 – 2025 vừa qua, nhiều người đến chúc mừng, chia sẻ niềm vui với một ni sư khi vừa xuất hiện bên ngoài hội trường. Đâu ai biết rằng, hơn 20 năm qua, ni sư âm thầm đi vận động các nhà hảo tâm, âm thầm giúp đỡ hàng ngàn hoàn cảnh neo đơn, bênh nhân đục thủy tinh thể. Đó là ni sư Thích nữ Nhuận Lộc trụ trì Tịnh thất Hạnh Nhơn (xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy).
Đem lại ánh sáng cho người nghèo
Đôi mắt là là tài sản quý giá nhất của mỗi con người. Nếu không may mắc phải bệnh đục thủy tinh thể, không được mổ sớm sẽ dẫn đến mất thị lực hoàn toàn. Tuy nhiên, chi phí cho ca mổ lại khá cao, trong khi tỷ lệ người mù do đục thủy tinh thể ở nhóm người nghèo và cao tuổi. Ni sư Nhuận Lộc chia sẻ: “Khi nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn, cô không khỏi day dứt. Chính vì thế, dù nhà chùa còn nhiều khó khăn, nhưng cô luôn đặt việc cứu khổ cứu nạn lên hàng đầu. Cô vận động các tăng ni, phật tử đóng góp tiền của ủng hộ người nghèo mổ mắt, và đón nhận sự đồng tình cao. Trong đó, một anh là phật tử ở thành phố Hồ Chí Minh tình nguyện liên hệ các bác sĩ, vận động bà con trên ấy hỗ trợ chùa”.
Kể từ năm 2000 đến nay, hàng tháng, Tịnh thất Hạnh Nhơn tiếp nhận hàng chục bệnh nhân đến xin mổ mắt miễn phí. Tại đây, họ được thu xếp chỗ nghỉ, chờ xe đưa đón, hỗ trợ suất ăn khi phẫu thuật. Nếu không đủ chỗ nghỉ, ni sư liên hệ nhà dân lân cận để gởi. Chính thái độ ân cần, niềm nở của ni sư chiếm trọn tình cảm của những người xung quanh, mát lòng bệnh nhân và người thân khi tá túc ở đây. Tiếng lành đồn xa, có những bệnh nhân ở Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh cũng tìm đến với mong muốn trở lại cuộc sống bình thường bằng đôi mắt khỏe mạnh.
Đến giờ ni sư không sao nhớ cụ thể đã giúp mang lại ánh sáng cho bao nhiêu người nhưng con số phải trên 10.000. Hơn 20 năm qua, cứ mỗi lần đến đợt đưa bệnh nhân đục thủy tinh thể lên thành phố Hồ Chí Minh mổ mắt là cô lại đi cùng. Ngồi bên ngoài chờ ca mổ, cô cũng thấp thỏm, lo lắng như người thân của gia đình. Lần nào cũng vậy, chứng kiến giây phút vỡ òa của bệnh nhân khi đôi mắt được “thắp sáng trở lại”, ni sư cảm thấy đó cũng là hạnh phúc cùa mình. Điều thú vị là có người từ ngày mắt sáng rõ trở lại trở thành tư vấn viên rất tích cực cho những người mắc bệnh đục thủy tinh thể, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người cũng bảo vệ đôi mắt sáng.
Khi ánh sáng được mở ra trước mắt cũng là lúc những con người ấy tiếp tục trở lại công việc hàng ngày làm vườn, làm ruộng, chạy xe ôm, làm mướn… Người già giờ có thể đọc báo, xem tivi, vui vẻ bên con cháu hay có dịp đi tham quan để thưởng thức vẻ đẹp của quê hương. Nhìn những tấm ảnh bệnh nhân đã mổ mắt thành công đang vui vẻ bên sư cô, tôi thầm biết ơn tấm lòng cao cả của các bác sĩ, y tá hay anh tài xế… cùng những con người thầm lặng đã chung tay với ni sư Nhuận Lộc mang lại ánh sáng, niềm tin cho hàng ngàn người nghèo khó.
Ảnh: Ni sư Thích Nữ Nhuận Lộc (bìa phải) nhận giấy khen trong Hội nghị điển hình tiên tiến của thị xã Cai Lậy giai đoạn 2020 – 2025
Vui khi được giúp đỡ người nghèo khó
Tôi tình cờ quen với ni sư Thích Nữ Nhuận Lộc nhờ cùng làm công tác từ thiện. Hằng ngày, ni sư vẫn giản dị trong chiếc áo tràng màu lam cùng với gương mặt phúc hậu. Ngồi bên ly trà, ni sư trải lòng về cuộc đời đầy bi thương của mình cùng những câu chuyện làm từ thiện.
Ni sư tên thật là Huỳnh Thị Út quê ở ấp 2, xã Tân Bình (nay thuộc phường 3, thị xã Cai Lậy), năm nay đã 62 tuổi. Cô sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em. Mẹ mất sớm khi cô mới 12 tuổi. Sau ngày đất nước thống nhất chưa được bao lâu đến lượt cha cô ra đi vĩnh viễn sau cơn bạo bệnh. Anh chị em lần lượt có gia đình riêng còn cô một thân một mình đi làm mướn nuôi sống bản thân. Lắm khi buồn cũng chẳng biết tỏ cùng ai.
Rồi một ngày, bỏ lại sau lưng những ưu phiền thế sự, cô đến chùa Khánh Quới (xã Tân Bình, thị xã Cai Lậy) xuống tóc tóc qui y với pháp danh Thích Nữ Nhuận Lộc khi đã qua tuổi 30. Khoảng năm 2000, ni sư xin sư thầy và chính quyền địa phương ra phía sau chùa cất một thất nhỏ để thuận lợi hơn trong việc tu học. Tịnh thất Hạnh Nhơn được tọa lạc khiêm tốn phía sau chùa Khánh Quới. Ban đầu, Tịnh thất chỉ một ngôi nhà lá nhỏ do ni sư cất trên khuôn viên không đến 1000m2. Sau đó, với sự giúp đỡ của thập phương bá tánh, Tịnh thất được cất hoàn thiện như ngày nay.
Cứ mỗi ngày, sau thời gian lo việc tu niệm Phật tại Tịnh thất, ni sư lại dành thời gian đi làm từ thiện. Có dịp đi nhiều nơi ni sư luôn day dứt trước những cảnh đời bất hạnh, những cụ già bệnh tật không nơi nương tựa, những trẻ mồ côi không được học hành, đói cơm rách áo… Suốt bao năm qua, ni sư vẫn luôn cố gắng để thực hiện tâm nguyện là giúp cho những mảnh đời không may mắn, sẻ chia, động viên họ vơi bớt phần nào cơ cực.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ni sư trong làm thiện nguyện hơn 20 năm qua là lần giúp một gia đình nghèo ở xã Thanh Hòa, thị xã Cai Lậy. Một người cháu nhỏ bị bệnh phải nuôi cụ bà 70 tuổi và một chú trên 50 tuổi đều bị bệnh tâm thần do nhiễm chất độc da cam. Căn nhà lá của họ toang hoác, mưa đến dời chiếu tứ bề vẫn đẫm nước. Chứng kiến gia cảnh ấy, ni sư không sao cầm được nước mắt. Vậy là cô đi gõ cửa từng nhà các mạnh thường quân, vận động phật tử khắp nơi để cuối cùng ngôi nhà tình thương cũng hoàn thành. Chứng kiến niềm vui của 3 con người ấy, cô không kìm được những giọt nước mắt sung sướng, nhất là hình ảnh người chú với nụ cười ngây ngô áp đôi má lấm lem vào bàn tay của bà cụ.
Ni sư bước vào phòng lấy ra album ảnh chụp khi tham gia làm công tác từ thiện, từ ảnh trắng đen rồi đến ảnh màu, ni sư chỉ vào từng ảnh nói rõ hoàn cảnh của từng người. Giờ đây tôi mới hiểu, ni sư đã âm thầm làm từ thiện rất nhiều nơi trong, ngoài tỉnh, và không chỉ xây nhà tình thương, mổ mắt, mổ tim cho người nghèo mà còn cưu mang, giúp đỡ nhiều em nhỏ lang thang, những phụ nữ trắc trở duyên tình, những người nghèo mắc bệnh hiểm nghèo…
“Tiếng lành đồn xa” khiến cho ngày càng có nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thường xuyên ủng hộ Tịnh thất Hạnh Nhơn. Ni sư chia sẻ: “Dường như là một cái “duyên”, bệnh nhân tìm đến ngày càng tăng thì các nhà hảo tâm chủ động tài trợ ngày một nhiều”. Với phương châm công khai, minh bạch, tiền của phật tử từ thùng Tam bảo cô chia thành ba phần: Phật, Pháp, Tăng, rạch ròi trong các khoản thu chi, công khai theo hàng tháng, quý, năm. Vì vậy mà việc làm của ni sư luôn nhận được sự tín nhiệm của bà con. Trên 100 nhà tình thương và cũng ngần ấy những chiếc hòm dành cho những gia đình nghèo khó được ấm lòng từ Ban từ thiện thị xã Cai Lậy được chia sẻ khắp nơi.
Từ khâm phục, tôi chuyển sang ngưỡng mộ ni sư Nhuận Lộc. Chào từ biệt ni sư, trên đường về, tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc vì vừa nhận được từ ni sư một bài học về tình người sâu sắc là biết chia sẻ, đem đến hạnh phúc cho người khác như lời tâm sự ni sư: “Mỗi lần được giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn, cô cảm thấy lòng mình rất vui, thanh thản. Cô mong phần đời còn lại có nhiều sức khỏe để được quan tâm và giúp đỡ nhiều người nghèo hơn nữa, xem niềm vui và hạnh phúc của mọi người như niềm vui và hạnh phúc của chính mình…”. Một bài học quí hơn vàng!
Quang Huy
THÔNG BÁO
Videos tuyên truyền PL
Danh sách album










Liên kết
Thống kê
  Đang truy cập : 31
  Hôm nay: 1
  Tổng lượt truy cập: 2886534